Smartphone đã vùi dập cảm xúc con người ta như thế ư?

Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014



Smartphone đã vùi dập cảm xúc con người ta như thế ư?
Chưa bao giờ chiếc điện thoại di động lại dễ mua như bây giờ. Đồ công nghệ đang trở thành một nhu yếu phẩm trong cuộc sống của con người, tương tự con cá, miếng thịt, bó rau…
- Cà phê với bạn bè… Ai cũng dán mắt vào “dế” yêu... 
- Những tâm tư tình cảm cho người yêu cần chi trau chuốt, qua loa vài dòng tin nhắn xem như mình đã có quan tâm người ấy...
- Nhờ mạng xã hội, cha tìm thấy con ruột thất lạc hơn 30 năm...
- Cư dân mạng chắp tay cầu bình an cho nạn nhân phà Sewol...
Bốn cái gạch đầu dòng trên là 4 ví dụ cho 2 thái cực lợi và hại của cuộc sống số hóa đối với con người. Bởi thế mới thấy, việc muốn xích lại gần nhau hay đẩy nhau ra xa không đơn thuần chỉ là tác động một chiều từ cuộc sống số hóa, mà quan trọng hơn cả là từ người sử dụng: Họ muốn gì? 
Cái cách mà con người ta đối xử với nhau trong cuộc sống số hóa nhiều khi cũng như những con rô-bốt...
Chưa bao giờ người ta có thể mua một chiếc điện thoại di động lại dễ dàng như bây giờ. Đồ công nghệ với sự phát triển như vũ bão ngày nay đã trở thành một nhu yếu phẩm tương tự con cá, miếng thịt, bó rau…
“Ngày xưa chúng ta sống trong hang động, sau đó sống trong thành phố và bây giờ chúng ta sống trên mạng”. Tin tôi đi, bạn có thể nhịn đói, nhịn khát vài ba ngày chứ nhịn truy cập mạng xã hội vài giờ thì sẽ thấy ngứa ngáy chân tay ngay. Và tự bao giờ những cú "click" "like", những dòng "comment", những câu "status" vu vơ hay tin nhắn vội đã trở thành công cụ thay lời muốn nói cho rất rất rất nhiều người.
Cái hẹn cuối tuần với mấy đứa bạn thân vắng hẳn tiếng cười nói, thay vào đó là những màn cúi gầm mặt vào màn hình điện thoại sáng choang. Ngồi gần nhau mà tưởng như cách xa cả vòng trái đất. Đợi cho ly trà sữa tan thành nước lã mà chẳng thèm uống, đợi cho những giây phút hiếm hoi bạn bè tương phùng trôi qua lãng xẹt, người ta vẫn miệt mài "check-in", miệt mài miết tay trên màn hình smartphone trơn láng để vào mạng xã hội, để xem thiên hạ - những người xa lạ đang đi đâu, đang làm gì. Còn bạn bè thân ngồi sát bên thì chẳng thèm ngó ngàng. 
Smartphone đã vùi dập cảm xúc con người ta như thế đấy!
Cái cách mà con người ta đối xử với nhau trong cuộc sống số hóa nhiều khi cũng như những con rô-bốt. 
Anh bạn tôi thiết lập chế độ gửi tin nhắn tự động cho người yêu theo ngày và cô người yêu thì “ngây thơ” tưởng rằng anh ấy vẫn quan tâm mình từng khoảnh khắc. Cách làm này thông minh ấy chứ! Nhưng tôi e… một ngày nào đó, anh chàng này sẽ chai sạn cảm xúc và chỉ còn biết quan tâm như một nghĩa vụ, chăm sóc bạn gái như một trách nhiệm chứ không còn là yêu thương từ những cảm xúc chân thành nữa.
Một ngày chủ nhật rảnh rỗi, không động đến thiết bị công nghệ, thả trôi hồn mình vào những điều tự nhiên trong cuộc sống.... bạn sẽ thấy… chán! Đương nhiên rồi, công nghệ đã thành gia vị cuộc sống không thể thiếu cho con người, có ai lại muốn ăn một món ăn nhạt thếch không hương, không vị từ ngày này qua ngày khác không? Quan trọng là cách là ta ứng xử với cuộc sống số hóa và biết sử dụng thiết bị công nghệ một cách khôn ngoan.
Mấy ngày nay, nếu có lướt qua các trang báo mạng, chắc hẳn bạn cũng đôi lần bắt gặp những tin tức như: cha và con tương phùng nhờ mạng xã hội; nghĩa cử đẹp từ những thành viên mạng xã hội quyên góp tiền cho bệnh nhi bệnh sởi Việt Nam, chung tay cầu nguyện cho phà Sewol Hàn Quốc… Toàn là những ví dụ “sáng choang” cho việc công nghệ đã khiến con người xích lại gần nhau hơn, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Tương tự thế, ai cũng có một thời để yêu và để nhớ. Vậy thì nếu nhớ ai, thương ai thì hãy bắt ngay một cú điện thoại để nghe lời nói ngọt ngào từ đối phương. Hãy để công nghệ làm cuộc sống chúng ta thú vị như thế chứ đừng lệ thuộc và xoay vần vào vòng xoay cuộc sống số.
Cuộc sống số hóa chưa bao giờ là quá tệ hại nếu chúng ta biết đâu là chừng mực. Điều đơn giản ở đây là sử dụng trong tầm kiểm soát và biến những công cụ công nghệ thành “những trợ thủ đắc lực”, thay vì “những ông chủ độc đoán”, bạn nhé!
Chia sẻ bài viết ^^
Other post

All comments [ 0 ]


Your comments